Giành lại Y lê Tả Tông Đường

Y Lê (Ili) là tên gọi một vùng đất xung quanh lưu vực sông Y Lê (Ili). Sông này bắt nguồn trong dãy núi Thiên Sơn, chảy về phía đông một đoạn ngắn rồi đột ngột quay về phía tây, sau đó vượt hơn một nghìn cây số trước khi đổ vào hồ Balkhash. Miền Y Lê nằm về phía bắc dãy Thiên Sơn, cư dân chủ yếu là người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và Kazazh (Cáp Tát Khắc). Vào thời Tống, Nguyên, Minh, Trung Quốc không kiểm soát được miền này. Vào thời nhà Thanh, Y Lê là miền đất xa nhất về phía tây thuộc về Trung Quốc, thủ phủ là Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi). Thời nhà Thanh hay nghe cụm từ "đày đi Y Lê", đó là một hình phạt nặng, vì đi từ Bắc Kinh đến Y Lê phải mất vài tháng mới tới nơi.

Năm 1871, nước Nga viện cớ thu hồi những vùng đất trước đây đã bị nhà Thanh chiếm, tiến quân vào Y Lê, tuyên bố "tạm chiếm Y Lê, đợi khi nào Thanh đình có đủ khả năng thống trị miền đó thì sẽ trả lại". Nhưng 7 năm sau, khi Tả Tông Đường đã bình định được Tân Cương rồi, nhà Thanh xin Nga trả lại Y Lê, Nga thản nhiên nuốt lời, bắt Công sứ Sùng Hậu của nhà Thanh phải ký Điều ước Livadia năm 1879 gồm 18 khoản mà các khoản chính là Thanh phải bồi thường quân phí 280 vạn lạng bạc cho Nga, và cắt nhường Nga miền phú nguyên duy nhất của Y Lê chiếm tới 70% diện tích Y Lê, cho Nga mở 3 tuyến đường thương mại làm cho dư luận triều đình và dân chúng bất bình. Trương Chi Động dâng sớ phản đối kịch liệt. Từ Hi Thái Hậu bãi nhiệm chức vụ của Sùng Hậu, chuẩn bị chiến tranh với Nga, cung cấp thêm 25,6 triệu lạng bạc chiến phí cho Tả Tông Đường. Mùa hè năm 1880, Tả Tông Đường lúc đó đã 68 tuổi điều quân từ Túc Châu tấn công Cáp Mật, sĩ khí quân Thanh rất cao. Thế tấn công của quân Thanh đã hỗ trợ rất nhiều cho ngoại giao nhà Thanh đàm phán với Nga.

Nhờ vào tài năng của nhà ngoại giao Tăng Kỷ Trạch (con trai Tăng Quốc Phiên), vào ngày 24 tháng 2 năm 1881, hai nước ký kết bản Hiệp ước tại St. Petersburg theo đó Nga bị bắt buộc hoàn trả cho Trung Hoa một số phần đất chiến lược nằm trong vùng Ili, sau khi đã bị nhượng bởi chữ ký không được cố vấn tốt của Đại sứ Sùng Hậu trong Điều ước Livadia năm 1879. Sự thành công vào dịp này của Tăng Kỷ Trạch một phần nhờ ở sự chiến thắng quân sự của Tả Tông Đường tại Tân Cương và sự hậu thuẫn mãnh liệt của Tả Tông Đường và các nhân vật khác trong các cuộc thương thảo tại Nga.

Năm 1884, Tân Cương trở thành khu vực cấp tỉnh, do đó đã gắn chặt hơn nữa quan hệ với các khu vực và các tỉnh khác. Với diện tích 1.650.000 km2, Tân Cương là khu vực hành chính lớn nhất của Trung Quốc, rộng gấp ba lần nước Pháp. Lưu Cẩm Đường được bổ nhiệm làm Tuần phủ Tân Cương trực thuộc Tổng đốc Thiểm Cam.

Sau khi ổn định tình hình, Tả Tông Đường đề xuất lên triều đình nhiều chủ trương chính sách thúc đẩy kinh tế văn hóa Tân Cương, có tác dụng tích cực đối với việc khai phá vùng biên giới, thành lập các cơ sở sản xuất kiểu mới ở vùng Tây Bắc như: Lan Châu Cơ khí chức ni cục - xưởng dệt len cơ khí đầu tiên của Trung quốc dùng máy móc của Đức, thành lập năm 1878, Tổng cục Tơ tằm A Khắc Tô, Lan Châu Chế tạo cục thành lập năm 1871, Tây An Cơ khí cục thành lập năm 1869.

Nhờ công lao này, Tả Tôn Đường được thăng Nhị đẳng Khác Tĩnh hầu năm 1878, bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần năm 1880, Tổng đốc Lưỡng Giang (1881 - 1884). Trước khi mất vào năm 1885, ông còn gửi lên triều đình đề nghị thành lập Hải quân nha môn, tăng cường sức mạnh của hải quân trước sự đe dọa của các nước phương Tây lúc bấy giờ.

Theo Lư Phụng Các (Lu Fungge), Tả Tông Đường dùng khoảng 6 năm để chuẩn bị cho việc tây chinh nhưng ông chỉ mất một năm rưỡi là hoàn thành việc thu hồi cả Tân Cương, ngoại trừ Y Lê vẫn do Nga chiếm đóng và chỉ trả lại cho Trung Hoa sau khi thương thuyết một thời gian dài. Là một trong những cấp chỉ huy quân sự xuất sắc của thời kỳ Đồng Trị, những đóng góp của ông cho việc hiện đại hóa quân sự có thể sánh ngang với Lý Hồng Chương. Chẳng hạn như ông xây dựng các bãi đóng tàu và xưởng đúc khí giới ở Phúc Châu và Lan Châu. Chiến lược quân sự và chiến thuật của ông trong kỳ chinh phạt huy hoàng hơn bất cứ cấp chỉ huy nào đồng thời với ông. Hệ thống tiếp liệu của ông và tổ chức quân đội ngoài mặt trận gần giống như hệ thống của người Đức dùng trong Chiến tranh Áo - Phổ năm 1866. Tuy nhiên theo Lư, Tả Tông Đường không học của người Đức mà tự ông nghĩ ra. Ngoài ra, chương trình khai khẩn đất hoang bằng quân đội và dân sự cũng như các kế hoạch khác trong việc vãn hồi trật tự xã hội - kinh tế địa phương đã vượt ra khỏi chiến lược quân sự trong việc giải quyết vấn đề tiếp liệu.

Năm 1885, ông qua đời vì bệnh ở Phúc Châu, được triều đình truy thụy là "Văn Tương" (文襄), an táng ở thôn Thương Trúc, xã Thạch Môn của Trường Sa. Ông được đưa vào thờ trong "Hiền lương từ".